Blogger Widgets

Tuesday, August 19, 2014

BAO GIỜ NGƯỜI NÔNG DÂN NỔI DẬY?

QLB

Loan Nguyễn , FB

Việt Nam vẫn đang là nước có nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp, bao đời nay nghề nông vẫn là nghề cực khổ và chua cay nhất trong các ngành nghề. Người nông dân luôn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, loay xoay , vật vã với thời tiết, với thiên tai, đổ mồ hôi sôi nước mắt trên cánh đồng, vườn tược chỉ mong có một cuộc sống cơm đủ no, đủ áo ấm chứ chưa dám nghĩ đến một cơ hội giàu có và “đổi đời”. 

 
Tôi chưa thấy ở đất nước nào mà người nông dân phải chịu nhiều cay đắng và khổ sở như người nông dân ở Việt Nam. Cái điệp khúc được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa luôn xoay vòng và cuốn lấy cuộc đời họ như chỉ muốn nhận chìm họ vào sâu hơn của nỗi tận khổ…

 
Nhà nước Việt Nam đến giờ này vẫn chưa thật sự có khả năng hay đủ quan tâm để xây dựng một chính sách phù hợp, ưu đãi để hỗ trợ nông dân và giúp cho nền nông nghiệp Việt Nam phát triển. Nông dân vẫn phải đơn độc tự loay xoay, tự đối mặt, đối phó với thiên tai, với mất mùa, với chiêu trò lừa gạt, ép giá… như một điệp khúc loanh quanh và luẩn quẩn…Những chính sách khuyến nông, dự án phát triển nông nghiệp hoạt động hoàn toàn bằng tiền thuế của dân nhưng chỉ mang đến lợi nhuận cho một nhóm lợi ích hay chỉ mang tính chất hình thức phô trương là chủ yếu, hầu hết chẳng giúp ích gì được cho nông dân và cũng không cho nông dân một định hướng nào rõ rệt để họ đặt niềm tin …

 
Và thế là, nông dân vẫn phải “mê muội”, cắm đầu cắm cổ tự cứu mình bằng cách cứ thấy cái gì có giá là trồng, là nhổ sạch, phá sạch những gì đang mất giá để rồi sau đó là ngậm ngùi, là đắng cay rơi nước mắt mà chẳng biết cầu cứu ai, nhờ cậy ai?...


Cho đến giờ phút này, Nhà nước và chính quyền địa phương đã làm gì để đảm bảo đầu ra cho nông dân và giúp họ thoát nghèo? Bao năm nay nông dân trên mọi miền đất nước vẫn phải chịu cảnh bị thương lái ép giá, bị doanh nghiệp lợi dụng, bị lừa gạt bởi phân tro và thuốc trừ sâu dỏm từ mùa này sang mùa khác. Nhà nước thay vì phải có trách nhiệm với nhân dân thì lại quay lưng, thờ ơ bỏ mặc nông dân trắng tay với mùa màng thất bát, họ chẳng mảy may động lòng để đưa ra chính sách hỗ trợ khi chứng kiến cảnh nông dân gạt lệ vứt hoa vào bờ, hái rau, hái quả cho bò, cho lợn ăn hay thẫn thờ chết lặng nhìn từng cánh đồng, cánh ruộng khô kiệt vì thiếu điện thiếu nước…

Tôi đặt ngàn câu hỏi và đợi mong đến ngày người nông dân được quan tâm thật sự để không còn cảnh người nông dân bế tắc chỉ biết nghe lời “xúi bậy” của thương lái Trung Quốc? Và có ai dám trả lời với tôi rằng đến ngày nào, thời điểm nào trong tương lai Việt Nam mới hết hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau? 

Đến bao giờ mới hết cảnh chúng ta xót xa, trăn trở khi nhìn thấy hình ảnh người nông dân, đặc biệt là hình ảnh phụ nữ và trẻ em dùng lưng dùng cổ kéo cày thay trâu giữa đồng ruộng mênh mông ngập nước? Bạn hãy tự trả lời: thế kỷ này là thế kỷ thứ bao nhiêu? Năm này là năm thứ bao nhiêu sau công cuộc “giải phóng” đất nước mà dân ta vẫn nghèo vẫn khổ đến thế vậy? Chế độ này đã làm được gì cho dân và đưa đất nước đến nấc thang thứ mấy của “thiên đường XHCN”? 

Hỡi những người lãnh đạo, những người với sứ mệnh “vì dân, vì nước”, những người với tài khoản bạc tỉ, biệt thự, xe hơi, con du học nước ngoài…các Ngài có bao giờ một lần nghĩ về dân để mà xót xa và buộc phải thay đổi? Hay các Ngài cố chấp, bảo thủ, giữ rịt lấy một thể chế đã mục rữa đến tận cùng để đợi đến ngày “Người nông dân và toàn dân nổi dậy?” Ngày ấy chắc chẳng còn bao xa…tôi tin là vậy!

 
Loan Nguyễn , FB

 





No comments: