Blogger Widgets

Saturday, January 5, 2013

Bệnh mất ngủ của ông Vương Đình Huệ

Hồi ông Vương Đình Huệ đắc cử Bộ trưởng Bộ Tài chính, một tờ báo đã cử phóng viên mò về tận làng Xuân Lộc, Hà Tĩnh để gặp thân mẫu của tân Bộ trưởng. Bài báo mở đầu bằng câu của mẹ ông Huệ: “Đã làm “đầy tớ” của dân thì phải làm cho hết lòng. Yêu lấy dân thì dân sẽ yêu lại. Đó là điều mà tôi vẫn thường dặn mỗi khi Huệ về thăm nhà”.

Thế rồi, ngay trong những ngày đầu nhậm chức, vị tân Bộ trưởng, trước đó giữ trọng trách Tổng kiểm toán Nhà nước nhảy ngay vào việc điều hành giá cả, nhất là với những mặt hàng như điện, xăng dầu với tuyên bố “Cần phải dựa trên yếu tố minh bạch chi phí và giá thành”. “Một trong những công việc tôi ưu tiên là làm việc với Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính, rà soát lại các số liệu về giá điện, giá xăng cũng như kiểm soát giá một số mặt hàng khác rất quan trọng như thuốc chữa bệnh, giá lương thực, thóc lúa”- ông nói.Ông không nói chơi, bởi ngay trong những hoạt động đầu tiên dưới cương vị tư lệnh nắm “tay hòm chìa khóa” tài chính quốc gia, Bộ trưởng đã nói tới hai chữ “vì dân”: “Quan điểm điều hành của Bộ Tài chính- ông nói- sẽ không thể vì quyền lợi của 11 doanh nghiệp đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân”. Thậm chí, vị Bộ trưởng, nom dáng vẻ nho nhã khẳng định như đinh đóng cột sẽ “chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định giảm giá xăng dầu”.

Không cần phải nhắc lại, lời tuyên bố bấy giờ đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của nhân dân cũng như truyền thông như thế nào. Và cùng với Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ông được kỳ vọng như những nhân tố đột phá của một “thế hệ bộ trưởng mới”, được tán dương như một “bộ trưởng (của) hành động”.
Công bằng mà nói, ông Huệ nhậm chức không phải trong thời điểm “địa lợi”: Kinh tế khó khăn, đến nỗi khoản hoạch định trước có hơn 70 ngàn tỷ để tăng lương, thực ra là bù lạm phát, cũng phải “khéo co”. Rồi Doanh nghiệp chết hàng loạt. BĐS vào “mùa đông bắc cực”. Nợ xấu cả núi…Thành thử, chuyện tăng thu qua thuế phí, rõ ràng, khó y như việc vắt thêm khăn lên lưng lừa…
Gian nan tỏ mặt anh hùng.

Bộ trưởng cũng đã làm được một số việc, chẳng hạn việc xiết chặt thêm được chi tiêu công, thực hiện chính sách tài chính tiền tệ thận trọng (ông nói không thích dùng chữ “thắt chặt”) để làm giảm lạm phát. Và ở thời kỳ đầu, “chịu trách nhiệm cá nhân” trước việc giảm giá xăng.
Ông Huệ, người có quý tướng, ở thời điểm đắc cử Bộ trưởng nổi tiếng về sự “sạch” về đạo đức, mạnh mẽ trong việc làm và có chỉ số tín nhiệm cao.

Nhưng lửa cũng là thứ thử vàng. Thất thu ngân sách, khó khăn khách quan không thể phủ nhận, nhưng thẳng thắn mà nói, đó là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Huống chi dưới thời ông Huệ, thuế phí, trong đó có những loại vô cùng ngớ ngẩn, là thứ “phi mã” nhất trong các đời Bộ trưởng. Đến mức đôi khi, người dân có cảm giác việc hoạch định ngân sách gần giống với việc “tận thu”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ có lần đã nói ông “mất ngủ” vì cái khó: “Một mặt theo cơ chế thị trường, mặt khác chỉ tiêu lạm phát dưới hai con số”. Giờ đây, khi đảm nhiệm trọng trách Trưởng Ban Kinh tế TƯ, trách nhiệm của ông lớn hơn nhiều so với việc kiểm soát giá cả, nắm tay hòm chìa khóa tài chính quốc gia. Mà không phải chỉ là cách dùng chữ “thận trọng”, thay vì “thắt chặt” là có thể giải quyết được vấn đề. Và, ông hẳn sẽ còn phải mất ngủ.

Cũng phải nhắc lại, hồi đảm nhiệm cương vị Tổng kiểm toán, ông Vương Đình Huệ đã có câu nói “để đời” về kết quả hoạt động của các “quả đấm thép” là: Không đến nỗi như đồn thổi. Ông Huệ nêu 3 ví dụ. Tập đoàn Dệt may tổng tài sản chưa tới 1 tỷ USD nhưng đã tạo ra 140 ngàn việc làm. Tập đoàn bưu chính viễn thông dù tài sản chỉ 6 tỷ USD nhưng đã đạt doanh thu 100.000 tỷ vnd. Hay Tập đoàn Dầu khí có tốc độ tăng vốn chủ sở hữu, doanh thu đều trên 20%. Nhưng câu này còn quan trọng hơn: “Dù là tập đoàn nhà nước nhưng họ đã cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

Tư duy này, có lẽ, không phù hợp với một trưởng Ban Kinh tế TƯ sẽ có một nhiệm vụ là kiểm soát hoạt động của khối DNNN.
Dưới đây là những phát ngôn và hành động nổi tiếng của ông. Và hy vọng, trên cương vị mới, ông vẫn nhớ lời mẹ: Yêu lấy dân thì dân sẽ yêu lại.

Không ai dọa được Nhà nước
Phát biểu tại Hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” ngày 20/9, Bộ trưởng Huệ khẳng định: “Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước… Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi xin tuyên bố sẽ không cho phép doanh nghiệp nào bỏ việc lưu thông xăng dầu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 86 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ này”.

Mất ngủ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ có lần đã nói ông “mất ngủ” vì cái khó: “Một mặt theo cơ chế thị trường, mặt khác chỉ tiêu lạm phát dưới hai con số. Hai mục tiêu này gần như trái ngược nhau, không gian chính sách và dư địa để cho doanh nghiệp phấn đấu là rất khó khăn”. CPI 2 tháng đầu năm là 2,37%- đúng theo ước tính của Bộ trưởng Huệ- “Như vậy, cả nước phải kiềm chế lạm phát ở mức 6,5% trong 10 tháng còn lại của năm. Đây là điều quá khó, nhất là trong trường hợp nếu giá điện tăng 5% sẽ tác động đến 0,36% CPI, Bộ trưởng Tài chính mất ngủ về chuyện này”.
“Không thích dùng từ “thắt chặt”.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định: “Tôi không thích dùng từ “thắt chặt”. Tài chính như mạch máu của nền kinh tế, ta phải đảm bảo cho nó lưu thông theo đúng qui luật kinh tế khách quan của nó, theo đúng nhu cầu và sự cần thiết làm sao điều hành cho nguồn tài chính và tín dụng đúng đắn nhất theo qui luật khách quan và thực tế của nước ta hiện nay. Tôi không thích dùng từ thắt chặt mà thích dùng chính sách tiền tệ hay tài khóa chặt chẽ, đúng với nguyên lý sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ”. “Khi kinh tế rơi vào khủng hoảng thì biện pháp đầu tiên là chính sách tiền tệ. Nhưng chính sách tài khóa cũng được sử dụng linh hoạt và phối hợp với chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa được ví như chất dẫn thuốc hay như viên kẹo ngọt để làm giảm vị đắng của liều thuốc chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tiền tệ để nền kinh tế không suy giảm và nhanh chóng vượt qua vùng đáy của suy thoái.
Chỉ đạo kiểm tra vụ kêu oan của một doanh nhân
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có văn bản chỉ đạo “kiểm tra” vụ kêu oan của một doanh nhân 31 tuổi sau khi anh này gửi đơn đến lần thứ 13.
Doanh nhân 31 tuổi, trong tâm thư gửi Bộ trưởng Huệ kể lể trong một tháng rưỡi qua, anh mất 20 triệu cho mỗi ngày tàu bị tạm giữ, chưa kể 300 triệu “chi phí khác, chưa kể hàng có được thả ra “cũng không biết bán cho ai”.
Ngân sách như một tấm chăn
Đăng đàn sang 31-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã cố gắng “co kéo” các nguồn để dự kiến bố trí được 20.700 tỷ đồng để tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng hiện nay lên 1,15 triệu đồng. Bên hành lang Quốc hội ngay sau đó, ông nói: “Cố gắng bố trí tăng them 100.000 đồng tiền lương mà còn nhiều ý kiến khác nhau, lo không đủ nguồn. Nói thật, ngân sách như tấm chăn, co chỗ này thì hụt chỗ kia. Tiền chỉ có vậy, muốn nâng lên cũng khó.
Trước Ủy ban thường vụ Quốc hội trước đó, Bộ trưởng cũng nửa đùa nửa thật: “Không còn dư địa nào để tăng thu. Trừ phi được… in thêm tiền”.
Báo tiếp thị lại đi viết về chính trị
Ngày 55-4, trước sự có mặt của hang chục cơ quan báo chí, được mời đến tham dự và đưa tin về hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 của bộ Tài chính, Bộ trưởng Vương Đình Huệ bày tỏ sự không hài lòng về việc các báo hiện nay thường đề cập đến các nội dung không phải “của mình”. “Tôn chỉ mục đích có rồi sao không theo? Báo của tổ chức này sao lại nói về lĩnh vực của tổ chức khác? Vì sao báo về tiếp thị lại đi viết về chính trị?”, ông nêu vấn đề.

Đào Tuấn

1 comment:

Anonymous said...
This comment has been removed by the author.